Sự suy tàn của Đế chế Thứ Ba Lịch_sử_quân_sự_Đức_trong_Chiến_tranh_thế_giới_thứ_hai

Cuộc tấn công vào lãnh thổ Đức

Xe thiết giáp Đức thuộc Sư đoàn 2.SS-"Das Reich bị hạ ở Mortain-Le-Neufbourg

Cuộc tổng phản công của Liên Xô bắt đầu ngày 10 tháng 6 năm 1944. Đến giữa tháng 8 năm 1944, Hồng quân tiến đến biên giới Đông Phổ, bao vây 15 sư đoàn Đức ở vùng Baltic, xâm nhập đến Vyborg của Phần Lan, tiêu diệt Cụm tập đoàn quân Trung tâm của Đức. Trong 5 tuần, mặt trận của Liên Xô tiến đến sông Wisla. Ở miền nam, Liên Xô bắt đầu cuộc phản công ngày 20 tháng 8. Đến cuối tháng 8, họ chiếm được Romania cùng với mỏ dầu Ploesti, nguồn cung cấp dầu hỏa chính duy nhất cho quân đội Đức. Ngày 26 tháng 8, Bulgaria chính thức từ bỏ cuộc chiến và quân Đức bắt đầu vội vã rút ra khỏi nước này. Đến tháng 9, Phần Lan đầu hàng và giải giới những binh sĩ Đức không chịu rút ra khỏi nước này.

Ngày 25 tháng 8 năm 1944, sau 4 năm dưới sự chiếm đóng của Đức, Paris được giải phóng khi Sư đoàn 2 Thiết giáp của Pháp dưới quyền tướng Leclerc và Sư đoàn 4 Bộ binh của Mỹ tiến vào thành phố.

Tàn dư của những quân Đức ở Pháp bây giờ đều rút lui. Thống chế Bernard Montgomery dẫn Tập đoàn quân số 1 của Canada và Tập đoàn quân số 2 của Anh giải phóng Bruxelles ngày 3 tháng 9 và Antwerp ngày hôm sau. Ông tiến quân nhanh đến nỗi Đức không có thời giờ phá hủy những công trình cảng tại Antwerp. Đây là điều may mắn lớn cho Đồng Minh, vì cảng này sẽ trở thành căn cứ tiếp tế chính cho quân Anh-Mỹ.

Về phía nam, Tập đoàn quân số 1 của Mỹ dưới quyền tướng Courtney H. Hodges cũng tiến nhanh vào miền đông-nam Bỉ, đến sông Meuse rồi chiếm được các pháo đài ở NamurLiège mà Đức không có thời giờ tổ chức phòng ngự. Xa hơn về phía nam, Tập đoàn quân số 3 của tướng George Patton đã giải phóng Verdun, bao vây Metz, tiến đến sông Moselle rồi bắt tay với Tập đoàn quân số 7 của Pháp-Mỹ dưới quyền tướng Alexander Patch.

Đến cuối tháng 8, mặt trận miền Tây của Đức đã mất 500.000 quân (phân nửa số này bị bắt làm tù binh) và hầu như toàn bộ xe tăng, đại bác và xe vận tải. Gerd von Rundstedt, người được tái bổ nhiệm vào chức vụ Tổng Tư lệnh Mặt trận miền Tây ngày 4 tháng 9, sau này nói với Đồng Minh: "Đối với cá nhân tôi, cuộc chiến đã chấm dứt vào tháng 9."

Nước cờ liều lĩnh cuối cùng của Hitler

Suốt cuối mùa thu Hitler đã vơ vét khắc nước Đức mọi nguồn lực cho nước cờ mới. Chiến dịch phản công là một kế hoạch liều lĩnh. Hitler tin rằng hầu như chắc chắn sẽ tạo được bất ngờ. Nhưng có một nhược điểm. Quân đội Đức đã yếu hơn so với năm 1940, đặc biệt là về không quân, trong khi đối thủ có tiềm năng mạnh hơn và vũ khí tốt hơn. Đến tháng 12, ông đã thu thập được gần 28 sư đoàn kể cả chín sư đoàn thiết giáp để đánh xuyên qua Ardennes, thêm 6 sư đoàn để tấn công Alsace tiếp theo mũi tiến công chính. Hermann Göring hứa sẽ cung ứng 3.000 chiến đấu cơ. Đấy là một lực lượng đáng kể, tuy còn yếu hơn nhiều so với tập đoàn quân của Rundstedt trên cùng mặt trận năm 1940. Nhưng việc động quân như thế đã khiến cho mặt trận miền Đông không có quân tăng viện vốn rất cần thiết để đẩy lui cuộc tấn công của Liên Xô dự trù vào tháng 1 năm 1945.

Ngày 16 tháng 12 năm 1944, lợi dụng màn sương dây bao phủ vùng đồi hiểm trở của rừng Ardennes, quân Đức phản công trên mặt trận trải dài 120 kilômét. Không lực Đồng Minh không cất cánh được vì thời tiết xấu. Quân Đức khiến cho Đồng Minh bị bất ngờ hoàn toàn, đánh xuyên qua được vài điểm ngay sáng đầu tiên.

Khi một đội hình tăng của Đức tiến đến Stavelot vào đêm 17 tháng 12, họ chỉ còn cách tổng hành dinh Tập đoàn quân 1 của Mỹ có 13 kilômét ở Spa, và nơi này đang vội vã lo rút lui. Quan trọng hơn, giữa quân Đức và một kho xăng dầu khổng lồ của Mỹ chứa 11 triệu lít xăng chỉ có khoảng cách chưa đến 2 kilômét. Xe tăng Đức đang tiến chậm chạp vì luôn thiếu hụt nhiên liệu. Vì thế, nếu chiếm được kho xăng dầu này, họ có thể tiến nhanh hơn và xa hơn.

Những đơn vị rời rạc của Tập đoàn quân 1 Mỹ vẫn ngoan cường chống trả khiến cho đà tiến của Đức chậm lại. Quân Mỹ trấn đóng trên các vùng phía bắc Monschau và phía nam Bastogne, chỉ cho phép quân Đức luồn qua một khoảng hẹp. Lực lượng Mỹ phòng ngự ở Bastogne khép lại số phận của Đức.

Giao lộ Bastogne là chìa khóa cho sự phòng vệ vùng Ardennes và sông Meuse phía sau. Nếu Đồng Minh giữ vững Bastogne, họ sẽ khống chế những con đường chính mà quân Đức muốn sử dụng, và còn cầm chân được một lực lượng đáng kể của Đức. Vào sáng ngày 18 tháng 12, mũi tiến công của Đức chỉ còn cách Bastogne 24 kilômét, trong khi nơi đây chỉ có binh sĩ thuộc tổng hành dinh của một quân đoàn đang chuẩn bị rút lui. Tuy nhiên, tối ngày 17 tháng 12, Sư đoàn Không vận 101 của Mỹ, lúc ấy đang lo bổ sung lực lượng tại Reims, nhận lệnh hành quân cấp tốc đến Bastogne trên quãng đường dài 160 kilômét. Cả sư đoàn đi trên xe tải mở đèn chạy suốt đêm, và đến Bastogne sau 24 giờ. Quân Đức đã thua trong cuộc chạy đua. Dù Đức bao vây Bastogne với lực lượng vượt trội, các sư đoàn Đức vẫn không thể đi vòng đến tiến đến sông Meuse, mà còn phải để lại một lực lượng lớn để cố chiếm lấy giao lộ này.

Bước ngoặt cho nước cờ của Hitler tại Ardennes diễn ra ngày 24 tháng 12. Quân Mỹ tạo thành hai gọng kìm mạnh từ hai bên sườn bắc và nam của quân Đức trên khoảng hẹp. Nhờ thời tiết tốt trở lại, không lực Anh-Mỹ tấn công dữ dội các tuyến đường tiếp tế và đội hình Đức. Quân Đức cố mở thêm đợt tấn công vào Bastogne, nhưng quân phòng ngự. Ngày hôm sau, một đội hình thiết giáp thuộc Tập đoàn quân 3 của tướng George S. Patton đánh xuyên qua phía nam và giải cứu cho thị trấn. Quân Đức phải rút lui khỏi hành lang chật hẹp nếu không muốn quân Mỹ cắt đứt tiêu diệt.

Vào ngày đầu năm, Hitler tung 8 sư đoàn theo 2 mũi tấn công, nhưng cả hai đều không thể tiến xa. Một cuộc tấn công tổng lực vào Bastogne của không dưới hai quân đoàn gồm 9 sư đoàn diễn ra ngày 3 tháng 1 năm 1945, dẫn đến một trong những trận đánh dữ dội nhất trong chiến dịch Ardennes. Đến ngày 16 tháng 1, chỉ một tháng sau khi phát động cuộc phản công mà Hitler tung ra tất cả cơ số dự bị về nhân lực và khí tài, quân đội Đức rút về phòng tuyến xuất phát.

Đức bị thiệt hại 120.000 người gồm thương vong và mất tích, 600 xe tăng và pháo, 1.600 máy bay và 6.000 xe cộ các loại. Thiệt hại phía Mỹ cũng nặng – 8.000 tử trận, 48.000 bị thương, 21.000 bi bắt hoặc mất tích và 733 xe tăng.

Quân đội Đức sụp đổ

Vào mùa xuân 1945, Đế chế thứ Ba tiến nhanh đến hồi kết liễu.

Tháng 2 năm 1945, với phần lớn vùng công nghiệp Ruhr đã đổ nát và vùng Thượng Silesia rơi vào tay Nga, sản lượng than đá chỉ còn một phần năm so với năm trước và lại khó vận chuyển vì không quân Mỹ-Anh đánh phá hệ thống đường sắt và kênh đào. Đức mất những giếng dầu ở Romania và Hungary, còn không quân Đồng Minh đánh phá các nhà máy sản xuất dầu nhân tạo. Nhiên liệu thiếu hụt một cách trầm trọng đến nỗi nhiều tàu hải quân và phần lớn máy bay nằm ụ và bị máy bay Đồng Minh đến phá hủy. Nhiều sư đoàn thiết giáp không thể di chuyển cũng vì thiếu nhiên liệu.

Đến ngày 8 tháng 2 năm 1945, quân Đồng Minh, bây giờ lên đến 85 sư đoàn, bắt đầu tiến gần đến sông Rhine. Họ đã nghĩ Đức sẽ cố bảo toàn lực lượng để chiến đấu cầm cự, rút về phía sau phòng tuyến nước của một con sông rộng và chảy xiết, rất khó vượt qua. Rundstedt đã tham mưu như thế. Nhưng ở đây, cũng giống như những nơi khác qua bao lần thất bại, Hitler không muốn nghe việc rút lui. Ông nói với Rundstedt làm như thế chẳng khác nào "dời thảm họa từ nơi này sang nơi khác". Thế là, Hitler cương quyết đòi hỏi quân Đức phải trụ lại mà chiến đấu – nhưng không thể lâu được. Đến cuối tháng 2 năm 1945, quân Anh-Mỹ đã tiến đến sông Rhine ở nhiều điểm phía bắc Düsseldorf, và 2 tuần sau họ đã trụ vững bên bờ trái của sông Moselle. Quân Đức đã có thêm 300.000 thương vong trong số này có 293.000 bị bắt, và mất phần lớn khí tài chiến tranh.

Vào buổi xế chiều ngày 7 tháng 3, một đơn vị tiền phong thuộc Sư đoàn 9 Thiết giáp của Mỹ tiến đến những ngọn đồi nhìn xuống thị trấn Remagen bên bờ sông Rhine. Họ kinh ngạc thấy chiếc cầu bắc qua con sông vẫn còn nguyên vẹn. Xe tăng Mỹ chạy qua cầu. Đến tối, quân Mỹ đã lập được một vị trí vững chắc ở bờ đông. Họ đã vượt qua được chướng ngại vật thiên nhiên cuối cùng ở Tây Đức. Hitler ra lệnh xử tử 8 sĩ quan chỉ huy lực lượng yếu kém của Đức tại cầu Remagen.

Ít ngày sau, vào đêm 22 tháng 3, Tập đoàn quân số 3 dưới quyền Patton vượt sông Rhine tại Oppenheim, phía nam Mainz. Đến ngày 25 tháng 3, quân Đồng Minh đã chiếm được cả bờ tây con sông và hai đầu cầu vững chắc bên bờ đông. Trong vòng 6 tuần, Đức đã mất hơn một phần ba lực lượng ở miền Tây và phần lớn vũ khí cho nửa triệu người.

Trong khi các tập đoàn quân Anh-Canada dưới quyền Thống chế Bernard Montgomery tiến đến Bremen, Hamburg và vùng Baltic, Tập đoàn quân 9 Mỹ của tướng William Hood Simpson và Tập đoàn quân 1 Mỹ của tướng Hodges cũng tiến nhanh qua vùng Ruhr. Cụm Tập đoàn quân B của Thống chế Model gồm Tập đoàn quân 15 và Tập đoàn quân xe tăng 5 – khoảng 21 sư đoàn – bị bao vây, rồi đầu hàng ngày 18 tháng 4. Thêm 325.000 quân Đức kể cả 30 tướng lĩnh bị bắt, nhưng không có mặt Thống chế Otto Model. Ông đã tự tử bằng súng chứ không muốn làm tù binh.

Ngày 16 tháng 4 năm 1945 quân Mỹ tiến đến Nürnberg, còn quân của Nguyên soái Zhukov tiến tiếp từ đầu cầu sông Oder rồi đến vùng ngoại ô của Berlin ngày 21 tháng 4. Wien đã được giải phóng ngày 13 tháng 4.

Lúc 4:40 giờ chiều ngày 25 tháng 4, toán tuần tiễu của Sư đoàn 69 Bộ binh Mỹ bắt tay với nhóm tiền phương của Sư đoàn 69 Cận vệ Liên Xô ở Torgau bên bờ sông Elbe, cách Berlin khoảng 40 kilômét về phía nam. Lãnh thổ Đức bị cắt ra làm hai mảnh bắc và nam. Adolf Hitler bị cô lập ở Berlin. Ông tự tử ngày 30 tháng 4, 1945, mười ngày sau sinh nhật thứ 56 của ông.